Báo chí quốc tế nhận định 2017 là một năm đáng nhớ. Từ làn sóng chủ nghĩa dân túy đang dâng ở châu Âu cho đến cơn sốt tiền ảo đang khiến thị trường náo động, những chủ đề nóng xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, phong trào bình đẳng giới, hay còn gọi là nữ quyền, có sức ảnh hưởng hơn cả.
Làn sóng nữ quyền làm “rung chuyển” thế giới
Từ sự kiện Women’s March (Diễu hành của Phụ nữ) tại Mỹ hồi tháng 1 tới phong trào #MeToo vừa qua, năm 2017 có hàng loạt chiến dịch mang đến thay đổi xã hội xung quanh các vấn đề của một nửa thế giới. Trang web Merriam Webster thậm chí còn chọn “feminism” (chủ nghĩa nữ quyền) là Từ của năm 2017.
Women’s March diễn ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và được công nhận là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử. Sự kiện này thu hút 2-5 triệu người biểu tình toàn cầu để phản đối quan điểm của chính quyền Trump về quyền phụ nữ nói riêng cũng như những vấn đề xã hội nói chung như nhập cư hay biến đổi khí hậu.
Ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3 năm nay cũng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi ở khắp các quốc gia. Riêng buổi diễu hành ở Washington DC (Mỹ) có hơn 50.000 người tham gia. Đây cũng là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên Facebook trong năm. Thậm chí, một công ty còn dựng bức tượng cô gái nhỏ bé đối diện chú bò tót ở phố Wall như một biểu tượng, kêu gọi các công ty đối xử bình đẳng với nhân viên nữ và bổ nhiệm thêm nữ giới vào ban giám đốc.
Bức tượng cô gái đứng hiên ngang trước chú bò tót là một biểu tượng cho nữ quyền (Nguồn: Reuters).
Vượt qua cả Tổng thống Mỹ hay Chủ tịch Trung Quốc, danh hiệu “Nhân vật của năm” 2017 được tạp chí Time dành cho “Những người phá vỡ im lặng” (The Silence Breakers). Đây không phải một cá nhân, một nhóm mà là cả một cộng đồng – những nạn nhân bạo hành tình dục (phần lớn là phụ nữ) tham gia phong trào #MeToo nổi lên hồi tháng 10. Chỉ trong 48 giờ sau khi diễn viên Hollywood Alyssa Milano kể lại trải nghiệm của chính cô và động viên những nạn nhân khác chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội Twitter với cụm từ #MeToo, gần một triệu người đã tham gia. Làn sóng này đã vạch trần vấn nạn này và tạo ra những “cơn địa chấn” ở phương Tây, từ ngành giải trí, kinh doanh và thậm chí cả chính trị.
Uber sa thải 20 nhân viên trong vụ điều tra quấy rối tình dục sau khi nữ kỹ sư Susan Fowler đăng tải bài viết về việc cô bị quấy rối và nhân sự không có hành động gì. Những vụ điều tra sau đó phát hiện hơn 200 vụ quấy rối ở hãng taxi công nghệ này. CEO Travis Kalanick bị buộc từ chức vì chính những bê bối của công ty. Khoảng 10 cái tên cộm cán trong Hollywood bao gồm diễn viên, nhà sản xuất hay người dẫn chương trình kỳ cựu lần lượt bị đuổi việc khi những bê bối bị đưa ra ánh sáng. Nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ và Anh phải từ chức cũng vì nguyên nhân tương tự.
“Lãnh đạo của thế giới tự do” là một người phụ nữ
Thủ tướng Đức Angela Merkel giống như một điểm tựa cho chính trường quốc tế hỗn loạn năm 2017. Đó không đơn giản vì bà là lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Trong quá khứ, Mỹ luôn được coi như ngọn cờ đầu của một thế giới tự do và mở cửa. Nhưng khi nhân vật ngồi trong Nhà Trắng hiện nay hô hào “nước Mỹ trước tiên”, trọng trách này giờ được đặt trên vai của thủ tướng Đức. Giữa bối cảnh Anh ra đi và xu hướng dân túy lan ra mạnh mẽ ở các nước phương Tây, bà Merkel vẫn quyết tâm bảo vệ Liên minh châu Âu (EU), theo đuổi lý tưởng toàn cầu hóa và thương mại tự do.
Không nản lòng khi Washington quay lưng, bà kêu gọi những nhà lãnh đạo lục địa “tự chiến đấu cho tương lai, vận mệnh của mình”. Kết quả là mới đây, 25 thành viên EU (trừ Đan Mạch và Malta) vừa ký hiệp định cùng phát triển lực lượng vũ trang nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Forbes vinh danh bà Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2017. Và trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới của tạp chí này năm 2016, bà chỉ đứng sau Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc vị “nữ tướng” đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hồi tháng 9 và trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất tại châu Âu đã cho thấy uy tín của chính trị gia gạo cội này.
Kết
Lẽ ra “năm của phái nữ” đã diễn ra trọn vẹn hơn nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Không nói về chính trị, nhiều người dân nước này thất vọng vì giấc mơ nữ tổng thống đầu tiên vẫn chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, bà Clinton không hề mất niềm tin sau thất bại và chia sẻ hy vọng về “một làn sóng phụ nữ trẻ tham gia tranh cử ở Mỹ”. Nhìn lại những gì đạt được trong năm nay, phụ nữ có quyền tin vào một năm 2018 thành công hơn nữa.