2 năm nữa, miền Trung có thêm 1.200 km cao tốc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết tâm đến năm 2025 sẽ nâng tổng chiều dài cao tốc qua miền Trung từ 193 km lên 1.390 km, đồng thời hoàn thành tuyến đường bộ ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Đông – Tây.

Hình minh họa

Đây là kế hoạch về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực miền Trung được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu lên trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Bình Định.

Theo đó, ngành giao thông quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193 km lên 1.390 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn như Vinh – Thanh Thủy, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc từ Cam Lộ – Lao Bảo, Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y, Quy Nhơn – Pleiku; nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn.

Tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện tại, chuẩn bị đầu tư để phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước) và cửa khẩu quốc tế (Vũng Áng – Mụ Giạ; Mỹ Thủy – Lao Bảo), khôi phục tuyến đường sắt phục vụ du lịch Tháp Chàm – Đà Lạt.

Nâng cao hiệu quả khai thác các hàng lang vận tải thủy ven biển và các tuyến vận tải thủy kết nối với các cảng biển; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch và kết nối từ bờ ra đảo; huy động nguồn lực đầu tư các bến cảng thuộc các cảng biển có tiềm năng phát triển thành cảng đặc biệt như Nghi Sơn, Cửa Lò, Liên Chiểu, Vân Phong.

Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng; đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, Quảng Trị, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng sân bay Thành Sơn và đầu tư một số sân bay chuyên dụng.

Phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, khu vực và quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các hành lang kinh tế trọng điểm.

Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Bài viết mới