17 tỷ USD trái phiếu đột nhiên trở nên vô giá trị của Credit Suisse đang nằm trong tay ai?

TIN MỚI

Nhiều trái chủ của Credit Suisse đang không vui. Thương vụ UBS tiếp quản Credit Suisse sẽ dẫn đến việc 17,3 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) bị ghi giảm giá trị xuống còn 0 đồng. Một số người đang cân nhắc khởi kiện.

Những khoản thua lỗ nặng nề này đang gây bất ổn cho thị trường, vốn đã bị rung chuyển bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Vì thế, công chúng đặt ra câu hỏi rằng ai là chủ sở hữu của những trái phiếu rủi ro cao này?

Đây là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Các nhà quản lý tài chính lớn như Pacific Investment Management Co. và Invesco Ltd. nằm trong số những trái chủ lớn nhất. Họ lần lượt sở hữu khoảng 807 triệu USD và 370 triệu USD. Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock nắm giữ khoảng 113 triệu USD vào cuối tháng 2. Sau đó, công ty này đã giảm số trái phiếu nắm giữ trong những tuần gần đây. Trong khi đó, một số quỹ do Lazard Freres Gestion và GAM Investments quản lý cũng bị ảnh hưởng.

Trung Đông đã hình thành mối quan hệ sâu sắc với ngân hàng Credit Suisse. Vào năm 2013, Qatar đã chuyển hơn 4,5 tỷ USD nợ đặc biệt thành trái phiếu AT1. Hiện tại, vẫn chưa rõ quốc gia vùng Vịnh này có còn sở hữu trái phiếu nào trong số đó hay không.

Vậy nhân viên của Credit Suisse thì sao? Theo báo cáo của Semafor, suốt nhiều năm liền, các giám đốc cấp cao của ngân hàng này đã được trả một phần lương bằng trái phiếu AT1. Nhưng con số cụ thể thì chưa được công bố.

Ngoài những đối tượng kể trên, ai sở hữu số trái phiếu khổng lồ còn lại thì vẫn là một bí ẩn.

May mắn thay, các ngân hàng không phải là những ứng cử viên hàng đầu. Họ sẽ bị phạt nặng nếu sở hữu các công cụ tài chính của ngân hàng khác. Bloomberg Intelligence đưa ra một ví dụ điển hình. Tại Nhật Bản, việc đầu tư vào trái phiếu AT1 của ngân hàng khác sẽ có tỷ lệ rủi ro là 1,250%. Điều này có nghĩa là các ngân hàng phải có 1,25 USD vốn chủ sở hữu cho mỗi đô la AT1 mà họ có trong danh mục đầu tư.

Các nhà đầu tư cá nhân cũng không có nhiều khả năng. Ở nhiều nơi, các nhà đầu tư không được phép mua trái phiếu AT1 vì tính phức tạp của chúng.

Điều này khiến chúng ta phải hướng suy luận đến những người siêu giàu. Theo Financial Times, những người giàu có cũng như các công ty gia đình vừa và nhỏ ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã mua rất nhiều trái phiếu này. Và nhiều người trong số họ bị sốc.

Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. cũng đồng tình với quan điểm này. JPMorgan cho biết họ không có dữ liệu về người nắm giữ AT1, nhưng họ đoán sẽ là các nhà đầu tư tổ chức hoặc khách hàng của ngân hàng tư nhân.

Cũng như trái phiếu do các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phát hành, trái phiếu AT1 hấp dẫn ở chỗ chúng có lợi suất cao hơn so với tiền gửi thông thường. Một trái phiếu đặc biệt phổ biến của Credit Suisse được phát hành vào năm 2022 có mức lợi suất là 9,75%.

Suốt một thời gian dài, những người giàu có ở châu Á là ‘khách quý’ tại bộ phận quản lý tài sản của Credit Suisse. Nhưng với sự cố vừa qua, những người giàu có này đang tự hỏi liệu tiền của họ có an toàn trong ngân hàng Thuỵ Sĩ hay không. Giờ đây, một số người có thể mất hàng tỷ USD. Vậy thì họ có còn niềm tin vào các chủ ngân hàng tư nhân nữa không?

Credit Suisse hiện đang ra sức kêu gọi nhân viên bình tĩnh và tiếp tục tổ chức hội nghị đầu tư thường niên tại Hồng Kông trong tuần này. Nhưng trong thâm tâm, các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng hiểu rằng người giàu châu Á đang cảm thấy không vui. Và thương hiệu ngân hàng Thuỵ Sĩ đã không còn danh giá như trước.

Theo Bloomberg

Các nhà đầu tư tìm kiếm ‘cái gật đầu’ của huyền thoại Warren Buffett giữa biến động ngành ngân hàng thế giới

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Bài viết mới