10 yếu tố sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản năm 2018

Nhìn tổng thể năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước (theo số liệu của Tổng cục thống kê), và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự chuyển hướng mạnh hơn vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản năm 2017 vẫn còn những mặt hạn chế, tiêu cực và tiềm ẩn một số nhân tố có khả năng tạo ra bất ổn và rủi ro trong thời gian tới, như tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung – cầu, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời với việc gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017. Diễn biến thị trường bất động sản năm tới sẽ xoay quanh 10 yếu tố.

Thứ 1, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới một tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường. Phân khúc condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng. Tình hình tranh chấp ở các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, cần được kiểm soát và xử lý kịp thời.

Thứ 2, GDP năm 2017 đạt 6,81%. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 19%. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tỷ trọng giải ngân FDI đều tập trung vào quý 4/2017 nên sẽ có tác động tích cực, lan tỏa ngay từ đầu năm 2018.

Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 từ 6,5-6,7%. Sự chuyển động tích cực của các cơ quan Nhà nước theo phương châm mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường bất động sản năm 2018.

Thứ 3, dự báo trong giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản tiếp tục sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh hơn. Sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình.

Thứ 4, TP.HCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp dịch vụ, đất đô thị, xây dựng đô thị thông minh, chuyển hướng phát triển đô thị về khu vực cao phía Tây Bắc… là cơ sở để định hướng phát triển thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.

Thứ 5, với dân số hơn 93 triệu người đang trong giai đoạn dân số vàng. Trong đó, có gần 60% có độ tuổi dưới 35, có đến khoảng 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% dân số đã mở ra khả năng kinh doanh bất động sản qua mạng, tận dụng lợi thế Công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Thứ 6, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật mới từ nay đến năm 2020. Dự kiến ngay trong năm 2018 có thể trình Quốc hội xem xét ba nhóm dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai”, “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị”, “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.

Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ về thuế như thuế đánh vào người có nhiều nhà, thuế bất động sản và công cụ về tín dụng như lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhưng trên thực tế, tăng trưởng tín dụng năm 2017 có khả năng đạt khoảng 19% dẫn đến quan ngại về sự phát triển nóng của nền kinh tế, có thể làm cho cơn sốt bất động sản quay trở lại.

Thứ 7, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án sẽ phát triển mạnh hơn trước đây. Trong đó, có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Yêu cầu của thị trường bất động sản hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục tái cấu trúc, tự cải cách và đổi mới, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng.

Thứ 8, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, internet kết nối vạn vật và xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng.

Thứ 9, về dự báo có hay không có bong bóng bất động sản trong năm 2018 thì HoREA nhận thấy khó có thể xảy ra do có sự điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn. Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường bất động sản thì các chủ thể đều thông minh hơn.

Thứ 10, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM với 3 chương trình lớn là chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, chỉnh trang các khu dân cư cũ và Chương trình phát triển các khu đô thị mới định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh sẽ là những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM.

Bài viết mới