Dưới đây là 10 sự kiện đáng chú ý của start-up Việt năm 2017 do ban biên tập NDH lựa chọn:
1. VNG ký thỏa thuận niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ)
Cuối tháng 5, VNG cho biết công ty này dự kiến niêm yết cổ phiếu trên NASDAQ – sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. Kế hoạch của VNG được hiện thực hóa bằng việc ký thỏa thuận thúc đẩy quá trình IPO giữa công ty và NASDAQ nhân chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG, Lê Hồng Minh và Phó chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq, Bob McCooey bắt tay sau lễ ký kết. Ảnh: Zing
Các chuyên gia nước ngoài nhận định, nếu thành công, VNG có thể là công ty đầu tiên của Việt Nam IPO tại sàn chứng khoán Mỹ. Đây sẽ là động lực lớn cho các start-up trong nước phát triển đồng thời thu hút thêm nguồn vốn ngoại đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
2. Nhiều quỹ đầu tư cho start-up Việt thành lập
Trong năm 2017, thêm nhiều quỹ ngoại công bố hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến quỹ ESP Capital 20 triệu USD hướng đến các start-up ở giai đoạn đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Innovatube thành lập quỹ 5 triệu USD dành cho các start-up công nghệ non trẻ Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào Việt Nam. Gần đây, Tập đoàn Lotte tuyên bố sẽ đầu tư 1 triệu USD cho các start-up Việt trong vòng 5 năm tới, thông qua thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Lotte Accelerator và tổ chức Vietnam Silicon Valley Accelerator.
Nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng quan tâm đến start-up Việt
Bên cạnh quỹ ngoại, các doanh nghiệp trong nước cũng thể hiện sự quan tâm lớn đối với cộng đồng start-up. Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch hãng tivi Việt Asanzo cho biết đang tìm kiếm các dự án tiềm năng để đầu tư với tổng số vốn 5 triệu USD. Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng vừa triển khai dự án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp mang tên VPBank Startup với tổng giá trị 1 triệu USD trong năm đầu tiên.
3. Sea mua lại 82% cổ phần của Foody
Theo thông tin từ trang Deal Street Asia, Tập đoàn tiêu dùng trực tuyến của Singapore là Sea (tên cũ là Garena) đã mua lại 82% cổ phần của Foody, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn ở Việt Nam với giá 64 triệu USD. Trong cáo bạch của Sea trên thị trường chứng khoán New York, công ty cho biết thương vụ đã hoàn tất từ tháng 7/2017.
Start-up nổi tiếng Việt Nam bán lại 82% cổ phần cho tập đoàn của Singapore
Trước đó Sea cũng từng là nhà đầu tư tham gia rót vốn cho Foody vào năm 2015. Việc thâu tóm Foody sẽ giúp Sea mở rộng nền tảng thanh toán Airpay được đưa vào thị trường Việt Nam từ năm 2014.
Bên cạnh Airpay, hai công ty khác của Sea là Garena (nhà phát hành game Liên Minh Huyền Thoại) và sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee cũng đang hoạt động tại Việt Nam.
4. Nhiều start-up gọi vốn ‘khủng’ từ quỹ ngoại
Năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam với nhiều thương vụ huy động vốn hàng triệu USD.
Theo thông tin từ trang MK News (Hàn Quốc), quỹ đầu tư tư STIC Investment của nước này và JD.com của Trung Quốc đang xúc tiến đầu tư vào sàn thương mại điện tử Tiki của Việt Nam. VNG, cổ đông lớn của Tiki có thể cũng mua thêm cổ phần trong đợt này. Thương vụ có giá trị 54,5 triệu USD và STIC Investment sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD.
Đại diện Tiki không đưa ra bình luận về thông tin gọi vốn ‘khủng’
Dù Tiki chưa lên tiếng xác thực nhưng nếu được hoàn tất, đây sẽ là một trong những thương vụ gọi vốn ‘khủng’ nhất của start-up Việt từ trước đến nay.
Ngoài Tiki, một số công ty khởi nghiệp huy động vốn thành công trong năm 2017 có thể kể đến Vntrip (10 triệu USD từ quỹ Hendale Capital của Hong Kong ); Hoa yêu thương (1 triệu USD từ công ty Greenwings của Hà Lan)…
5. Công bố dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức công bố dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây được đánh giá là tin vui cho cộng đồng start-up bởi hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hứng thú với các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý khiến quá trình rót vốn gặp nhiều khó khăn và làm giảm nhiệt huyết của các nhà đầu tư.
Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp khơi thông nguồn vốn cho start-up Việt
Sau khi hoàn thành, Nghị định này được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn vốn cho start-up, giúp phong trào khởi nghiệp trong nước tiến xa hơn trong thời gian tới.
6. Ông Nguyễn Hồng Trường – Phó Chủ tịch IDG qua đời
Ngày 23/10, ông Nguyễn Hồng Trường – Phó chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho cộng đồng khởi nghiệp Việt phát triển đã qua đời do đột quỵ. Sự ra đi của ông Trường khiến các start-up vô cùng bàng hoàng và tiếc nuối.
Ông Nguyễn Hồng Trường là người có ảnh hưởng lớn đến start-up Việt
Trong bức thư tri ân vị Phó chủ tịch đáng kính, ông Nguyễn Bảo Hoàng – Chủ tịch IDG viết: “Cộng đồng kinh doanh và khởi nghiệp Việt Nam mất đi một trong những người có tầm quan trọng nhất và nỗ lực không mệt mỏi. Từ các nhà sáng lập cho tới các nhà điều hành doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo khắp cả nước mất đi người bạn đáng mến và cũng là người cố vấn đáng kính. Đối với toàn bộ gia đình IDG Ventures, chúng tôi đã mất đi một người anh yêu quý. Không từ nào có thể diễn tả ý nghĩa của anh với chúng tôi, và chúng tôi sẽ luôn nhớ về anh”.
7. CEO Đặng Việt Dũng chia tay Uber Việt Nam
2017 được coi là năm đầy sóng gió của Uber tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không chỉ bị Hiệp hội taxi kiến nghị ngừng hoạt động, start-up này còn bị Cục thuế TP HCM truy thu gần 67 tỷ đồng. Đầu tháng 10 vừa qua, ông Đặng Việt Dũng cũng nói lời chia tay Uber Việt Nam sau 3 năm giữ chức CEO.
Đặng Việt Dũng rời ghế CEO Uber sau 3 năm giữ chức
Ngoài Đặng Việt Dũng, một số tên tuổi nổi tiếng khác của start-up Việt rời ghế CEO trong năm qua như Lê Hoàng Uyên Vy (Adayroi.com); Lương Duy Hoài (Giao hàng nhanh)…
8. Start-up Việt gặp gỡ và giao lưu với nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới
Nếu như năm ngoái, start-up Việt từng có cuộc giao lưu thú vị với cựu Tổng thống Barack Obama thì năm 2017, cộng đồng khởi nghiệp tiếp tục có cơ hội gặp gỡ với những doanh nhân nổi tiếng thế giới. Trong đó có thể kể đến tỷ phú Jack Ma – ông chủ Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba; bà Sheryl Sandberg – Giám đốc vận hành (COO) Facebook và ông Thuận Phạm – Tổng giám đốc công nghệ (CTO) Uber toàn cầu.
Tỷ phú Jack Ma đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc gặp gỡ với start-up Việt. Ảnh: Vnexpress
Thông qua câu chuyện được những người thành công chia sẻ, các start-up có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và được truyền cảm hứng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
9. Ba CEO start-up Việt lọt top 30 under 30 châu Á
Trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á của tạp chí Forbes năm 2017, Việt Nam có 4 đại diện. Ngoài ca sĩ Suboi, 3 tên tuổi còn lại đều lại CEO của các start-up, bao gồm Nguyễn Hải Ninh – CEO The Coffee House; Nguyễn Hoàng Trung – CEO Lozi và Nguyễn Hoàng Hải – CEO Canavi.
Từ trái sang phải: Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Hải Ninh
Theo Forbes, những nhân vật được lựa chọn đều là người có tầm ảnh hưởng, tạo xu hướng và góp phần tạo nên thành công ở lĩnh vực mà họ đại diện.
10. Chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về khởi nghiệp được thực hiện tại Việt Nam
Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp có nguồn gốc từ Nhật Bản (tên gốc Tigers of Money). Tuy nhiên phiên bản nổi tiếng nhất lại thuộc về Mỹ với khoảng 7 triệu người xem mỗi tập.
Những start-up gọi vốn thành công tại ‘Thương vụ bạc tỷ’ (tính đến tập 6). Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Từ đầu tháng 11 năm 2017, phiên bản Việt với tên gọi “Thương vụ bạc tỷ” chính thức được phát sóng tại Việt Nam. Ngoài 4 nhà đầu tư chính bao gồm ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse; ông Trần Anh Vương – CEO SAM Holdings; bà Thái Vân Linh – Giám đốc vận hành và chiến lược quỹ đầu tư VinaCapital; ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, chương trình còn có sự tham gia của một số nhà đầu tư khách mời.
Sau 7 tập phát sóng, nhiều start-up Việt nhận được số tiền đầu tư lớn như Gcalls (23 tỷ đồng); 5S (11 tỷ đồng); TicTag (7,92 tỷ đồng)…