Theo Quyết định 31, ban hành năm 2005 của UBND TP HCM về quy hoạch giết mổ, đến tháng 1-2007, thịt heo cung cấp cho thị trường TP HCM được cung cấp bởi 3 nhà máy giết mổ hiện đại, công suất từ 8.000-11.000 con/ngày nhưng không thực hiện được. Sau đó, TP đã có sự điều chỉnh lộ trình và đến quy hoạch giết mổ hiện hành (Quyết định 2032 ban hành 2016) đưa ra kế hoạch chấm dứt giết mổ thủ công vào cuối năm 2017 để chuyển toàn bộ sang giết mổ hiện đại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà máy nào ra đời.
Khó khăn vì lỡ lao vào dự án khó
Hiện phần lớn hoạt động giết mổ ở TP được thực hiện thủ công, khó kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc trong dư luận. Vì sao các dự án phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng lại chậm ra đời?
Nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn vẫn chưa đi vào hoạt động sau 7 năm xây dựng
Một thương lái lâu năm trong nghề giết mổ tại TP HCM thừa nhận hơn 10 năm trước, ông đã nghe về chủ trương ngưng giết mổ công ở các lò hiện hữu. Khi ấy, ông và nhiều người cùng nghề hồ hởi góp vốn để xây dựng nhà máy mới, mỗi người bỏ ra 1-2 tỉ đồng tùy theo khả năng. Khi ấy, ông tổ chức giết mổ tại lò mổ của HTX Tân Bình (Tabico), chờ đến năm 2007 về nhà máy mới. Tuy nhiên đến nay, nhà máy mới vẫn không thấy đâu, trong khi các lò giết mổ thủ công lần lượt đóng cửa. Ông phải chở heo từ quận Tân Bình sang quận 12, thậm chí huyện Củ Chi và nay phải chuyển về tỉnh để giết mổ. Mỗi lần chuyển địa điểm phải đóng tiền thế chân 200-300 triệu đồng cho các cơ sở giết mổ mới và không biết khi nào lại bị “đuổi” tiếp. “Hơn 10 năm trước, nếu không đóng góp xây nhà máy mà để tiền mua một căn nhà cho thuê thì giờ tôi không phải sống cảnh bất an với nghề giết mổ” – thương lái này than thở.
Đây chỉ là hoàn cảnh của một cổ đông nhỏ tham gia góp vốn xây dựng nhà máy hiện đại. Nhiều nhà đầu tư lớn tâm huyết dồn tiền của để xây dựng nhà máy còn bất an hơn nhiều bởi chưa biết khi nào mới thu hồi vốn. Trong đó, nhiều người đóng góp bằng tiền vay, phải chịu lãi trong thời gian dài thì như “ngồi trên đống lửa” vì trót lao vào dự án khó.
Hành trình mù mịt…
Theo các chủ đầu tư, khi có mặt bằng và vốn, việc xây nhà máy, lắp đặt thiết bị cho các dây chuyền giết mổ công suất từ 2.000-3000 con/ngày chỉ mất khoảng 6 tháng. Nhưng để có được giấy phép xây dựng, các chủ đầu tư phải mất hành trình hàng năm trời dù đã được chấp thuận địa điểm phù hợp quy hoạch.
Có thể hiểu một cách nôm na, để tiến đến xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục và nghĩa vụ liên quan đến đất đai. Các chủ đầu tư sau khi mua đất của dân phải tiến hành hợp thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng, hợp đồng thuê đất, đóng thuế… Sau đó, mới làm các thủ tục liên quan đến xây dựng nhà máy như thỏa thuận ký quỹ, đánh giá tác động giao thông, tác động môi trường, giấy phép khai thác nước ngầm, quy hoạch chi tiết 1/500, phương án phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng… và tất cả đều mới mẻ với cả chủ đầu tư lẫn cán bộ thi hành. Do đó, nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải hỏi ý kiến sở ngành, nhiều vấn đề phải chờ UBND TP HCM quyết định nên thời gian kéo dài năm này sang năm khác.
Dự án nhà máy giết mổ heo công nghiệp triển khai lâu nhất tại TP HCM là Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp, diện tích gần 9 ha, công suất 2.000 con/ngày của HTX Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) khởi động cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công dù máy móc thiết bị đã nhập về kho. Theo ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp, dự án liên quan đến rất nhiều sở ngành, chỉ một khâu chậm thì khâu sau không thể tiến hành. Tại HTX, riêng các thủ tục để được cấp sổ đỏ mất trên 10 năm, đánh giá tác động môi trường phải thực hiện 2 lần và chưa biết thủ tục nào còn phải làm lại do nhiều giấy phép cấp có thời hạn. Hiện tại, HTX Tân Hiệp đang xin phép được thực hiện san lấp mặt bằng công trình, trạm điện thế cho khu vực nhà máy nhưng chưa được chấp thuận. Điều này khiến cho HTX, dù muốn đẩy nhanh tiến độ cũng không dám vì lo ngại bị phạt. Trong khi đó, 4 nhà máy giết mổ gia súc tại huyện Củ Chi đã được UBND huyện Củ Chi hỗ trợ và cho tiến hành san lắp cũng như xây tường rào trước trong thời gian hoàn tất các thủ tục.
Đại diện Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI), chủ dự án nhà máy giết mổ gia súc công suất 2.000 con/ngày tại huyện Củ Chi, cho biết quá trình thực hiện dự án, SAGRI gặp nhiều khó khăn về trình tự giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án giết mổ. Từ thỏa thuận địa điểm, lập dự án đầu tư, báo cáo tác động môi trường, phê duyệt thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy,… cho đến cấp phép xây dựng phải qua nhiều sở – ngành nên mất rất nhiều thời gian.
“Để tháo gỡ cho các chủ đầu tư, tháng 6-2017, TP HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ thực hiện thủ tục xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn do giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, tổ công tác vẫn chưa thể giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý và hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư biết đến bước nào, cần phải có hồ sơ gì, gõ cửa ở đâu để được giải quyết. Vì vậy, mọi công việc đều do các chủ đầu tư tự lo, tự liên hệ. TP cần cho cơ chế liên thông một cửa giải quyết hồ sơ và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn thủ tục, nhận hồ sơ từ các chủ đầu tư và đốc thúc liên hệ các sở – ngành giải quyết” – đại diện SAGRI đề nghị.
Khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong giai đoạn đầu hoạt động, các nhà máy giết mổ công nghiệp sẽ gặp khó về thị trường. “Giết mổ công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay. Thị trường đang cần thịt “nóng” để ra chợ truyền thống, trong khi nhà máy công nghiệp cho ra thịt mát, không hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thực tế, các lò mổ thủ công hiện chỉ hoạt động tấp nập từ 0 giờ đến 3 giờ để cung cấp thịt cho chợ đầu mối. Thương lái nào cũng muốn được mổ heo vào giờ này thì nhà máy giết mổ công nghiệp không thể đáp ứng. Nếu đầu tư nhà máy để giết mổ chỉ 3 giờ/ngày là không hiệu quả. Theo tôi, cần ít nhất 5 năm nữa để người tiêu dùng quen với việc tiêu thụ thịt mát, lúc đó nhà máy giết mổ công nghiệp mới vận hành hiệu quả” – ông Công phân tích.
Hiện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang phối hợp với HTX Đồng Hiệp (Đồng Nai) xây dựng một lò giết mổ bán thủ công để cung cấp cho thị trường TP HCM. Giai đoạn đầu dự án có tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng, công suất 3.000-4.000 con/ngày và vị trí lò mổ cách chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 40 phút vận chuyển. Sau 5 năm, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn công nghiệp hoàn thiện, tiến đến mục tiêu xuất khẩu thịt heo.