Bất luận là bố mẹ đã chăm sóc, giáo dục ta ra sao nhưng ít nhất, mẹ cũng đã mang thai ta 9 tháng 10 ngày và sinh ta ra trên cõi đời này, cho ta nhìn thấy tất cả mọi thứ, thiện ác xấu đẹp mà nếu không được sinh ra, ta chẳng thể nào biết được.
Thế nên, phận làm con, đừng làm những việc để rồi sau này hối hận, hãy đối xử thật tốt với người đã sinh ra ta, đừng đợi đến khi họ không còn nữa, mới biết trân trọng, khi đó, tất cả đều đã muộn mất rồi!
Và xin hãy nhớ, đừng bao giờ nói với bố mẹ 10 câu dưới đây, cho dù chỉ là “lỡ lời”.
1. Được rồi, được rồi, biết rồi, dài dòng quá!
Thật đáng thương cho những người làm cha mẹ trong thiên hạ. Nhiều người không hề nhận ra rằng, sự “dài dòng” của bố mẹ thực ra cũng là một niềm hạnh phúc.
Không ít người đã rất mong bố mẹ có thể nói với mình, nói nhiều bao nhiêu cũng được nhưng ước nguyện đó chẳng bao giờ thành hiện thực.
2. Có việc gì không ạ? Vậy con gác máy đây.
Bố mẹ gọi điện thoại cho con cái, trừ những khi có việc phải thông báo thì phần đông là muốn chuyện trò với con, nghe tiếng con, chúng ta liệu có hiểu được dụng ý này của bố mẹ? Thế nên, dù không có chuyện gì đi nữa, cũng đừng lúc nào cũng vội vã gác máy, khiến cha mẹ trạnh lòng.
3. Có nói bố/mẹ cũng không hiểu, đừng hỏi nữa.
Thực ra, bố mẹ chỉ muốn nói chuyện với con cái mà thôi, ngay cả việc hỏi những chuyện họ không biết, cũng chỉ là cái cớ để bố mẹ – con cái có thể nói chuyện nhiều hơn với nhau.
4. Nói với bố/mẹ bao nhiêu lần rồi là không cần bố/mẹ làm, làm cũng có ra gì đâu.
Với những việc bố mẹ không thể làm, chúng ta cũng vì quan tâm đến bố mẹ mà không muốn họ làm nhưng xin đừng nói nặng lời, bởi như thế, chúng ta sẽ khiến bố mẹ cảm thấy họ là người vô dụng.
5. Quan điểm của bố mẹ bây giờ đã lỗi thời lâu rồi.
Góp ý của bố mẹ có thể bây giờ không áp dụng được hoặc không đem lại hiệu quả nhưng chúng ta có thể thay đổi cách phản ứng của mình hay không? Bố mẹ sẽ rất buồn khi phải đón nhận cách phản ứng gay gắt này của chúng ta đấy.
6. Đã bảo bố/mẹ đừng dọn phòng con nữa mà, bố/mẹ xem, giờ đồ cần tìm chẳng thấy đâu.
Phòng riêng của mình, bản thân minh thu dọn, nếu không thu dọn, cũng đừng làm tổn thương đến lòng tốt, sự quan tâm của các cụ dành cho con cái.
7. Con muốn ăn gì tự con biết, bố mẹ đừng can thiệp.
Bố mẹ mong ngóng chúng ta về ăn cơm, gửi tình yêu, sự quan tâm vào từng món ăn, thế nên, hãy vui vẻ mà hưởng thụ, đừng “nhảy dựng” lên khi mình đang được đối xử quá tốt như vậy.
8. Đã nói không ăn đồ thừa rồi, sao cứ mãi không nghe.
Các cụ cả đời tiết kiệm, đó đã trở thành thói quen khó có thể sửa đổi được. Thế nên nếu bố mẹ dùng lại đồ cũ, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở hoặc tìm cách xử lý đồ thừa cho thật hợp lý, tránh nặng lời khiến bố mẹ buồn.
9. Con tự biết tính toán, bố/mẹ nói nhiều thế không chán à?
10. Những thứ này đã nói không cần nữa rồi, chất đống ở đây để làm gì chứ!
Những câu nói trên, liệu có ai trong chúng ta chưa bao giờ dùng để nói với bố mẹ mình.
Tôi nghĩ rằng, hầu hết những người làm con, khi đọc bài báo này, hẳn đều bất giác nghĩ về bố mẹ, nghĩ lại xem mình đã bao giờ, đã bao nhiều vô tình làm bố mẹ đau, dù rằng những lời mình nói ra, đôi khi chỉ là lỡ miệng.
Vì con cái, bố mẹ chẳng tiếc thứ gì, kể cả là mạng sống của mình. Thế nhưng, hãy ngẫm lại xem chúng ta đã làm được gì cho bố mẹ? Chúng ta đã thực sự quan tâm, chú ý đến bố mẹ hay chưa?
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện cây cối hoa cỏ bố trồng bị bỏ mặc, nếu như có một ngày, bạn phát hiện tủ áo, nền nhà thường bám đầy bụi;
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện đồ ăn mẹ nấu mặn không thể ăn, nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ thường hay quên khóa gas;
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện thói quen của bố mẹ nay đã không còn là thói quen nữa, giống như việc họ không muốn ngày nào cũng tắm;
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ không thích ăn rau quả giòn dai, nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ thích ăn những đồ ăn nấu thật nát;
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ thích ăn cháo, nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ qua đường, phản ứng hết sức chậm chạp;
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện trong lúc ăn bố mẹ ho liên tục, đừng cho rằng họ bị cảm hay nhiễm lạnh, đó là hiện tượng thần lão hóa dẫn đến việc khó nuốt.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện bố mẹ không thích ra ngoài nữa…
Ảnh minh họa.
Nếu như có ngày đó, tôi phải nhắc bạn rằng, bố mẹ bạn đã già, các bộ phận trong cơ thể đã lão hóa và cần người khác chăm sóc. Nếu bạn không chăm sóc được, hãy giúp họ tìm người chăm sóc.
Cũng xin bạn hãy nhớ thường xuyên về nhà, thăm bố mẹ, để họ không cảm thấy mình đã bị bỏ rơi.
Ai rồi cũng sẽ già đi, bố mẹ sẽ già trước chúng ta. Dùng một trái tim yêu thương, kính hiếu, đặt mình vào địa vị của bố mẹ để nghĩ cho họ và chăm sóc họ, bạn mới có được sự nhẫn nại, mới không oán thán, trách móc.
Khi bố mẹ không thể tự chăm sóc mình, những người làm con cần phải nhận thức được rằng họ có thể mất kiểm soát trong việc đại, tiểu tiên, có thể sẽ có nhiều việc họ không thể làm tốt, có thể phòng sẽ có mùi lạ, bố mẹ không ngửi thấy, cũng xin đừng trách họ bẩn, họ hôi.
Làm con, bạn chỉ nên giúp bố mẹ dọn dẹp, duy trì cho bố mẹ lòng tự tôn.
Khi họ không thích tắm, hãy ấn định thời gian qua giúp bố mẹ tắm rửa, bởi khi đã già, có khi bố mẹ muốn tự tắm nhưng cũng không thể sạch.
Kể từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ đã cho ta biết bao nhiêu: Cho chúng ta ăn sữa, thay tã, thức thâu đêm suốt sáng những lúc ta ốm đau, cho ta đi học, ăn, chơi, học thêm… Chưa bao giờ bố mẹ ngừng yêu thương, quan tâm, hết mình vì ta dù chỉ một ngày.
Làm con, chúng ta hãy nhớ thật kỹ, hình ảnh của bố mẹ hôm nay chính là hình ảnh của chúng ta trong tương lai, hãy hiếu thuận với bố mẹ ngay khi còn có thể, bởi cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, đừng để đến khi muốn phụng dưỡng nhưng song thân đã không còn nữa.